top of page
Chiic

CÓ NÊN THAY THẾ REVPAR BẰNG GOPAR ĐỂ TÍNH KPI CHO KHÁCH SẠN?

Để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh khách sạn, REVPAR và GOPPAR là 2 chỉ số được sử dụng rất phổ biến. Vậy giữa chúng có gì khác biệt? Ưu nhược điểm của nó là gì? Và GOPPAR liệu có phải là giải pháp tối ưu hơn thay thế cho REVPAR trong việc tính KPI cho khách sạn? Hãy cùng Chiic Digital đi tìm lời giải qua bài viết dưới đây.


Từ lâu, ngành khách sạn chỉ sử dụng hai chỉ số truyền thống để đánh giá hiệu suất kinh doanh là ADR (giá bán trung bình hàng ngày) và tỷ lệ lấp đầy (Occupancy). Sau đó, với sự tăng trưởng của lợi nhuận/doanh thu, RevPAR (doanh thu trên mỗi phòng trống) bắt đầu trở thành chỉ số chính, vì nó phản ánh được mức độ hiệu quả việc quản lý đồng thời công suất phòng và giá cả tuỳ theo nhu cầu.

RevPAR trước đây là số liệu được sử dụng rộng rãi nhất để đánh giá hiệu suất trong ngành khách sạn. Nó được xem là chỉ số KPI bởi tính hiệu quả và đơn giản. RevPAR mang lại hiệu quả vì nó kết hợp kết quả của tỷ lệ lấp đầy và giá bán trung bình chỉ qua 1 con số.

GOPPAR (Tổng lợi nhuận hoạt động trên mỗi phòng hiện có) được xem như là kết quả của sự phát triển quản lý doanh thu trong suốt thập kỷ qua. Nó mang đến cái nhìn tổng quan hơn về hiệu suất kinh doanh của khách sạn so với RevPAR vì nó không chỉ xét đến doanh thu được tạo ra mà còn tính đến các yếu tố trong chi phí hoạt động liên quan đến các khoản thu đó.


GOPPAR là tổng doanh thu của khách sạn trừ đi các chi phí phát sinh để tạo ra doanh thu đó và chia đều cho số phòng thực tế. GOPPAR không tính đến sự tổng hợp doanh thu của khách sạn, do đó, dù nó không cho phép đánh giá chính xác doanh thu phòng được tạo ra nhưng GOPPAR thể hiện được lợi nhuận và giá trị của toàn bộ tài sản.


Vào năm 2002-2003, GOPPAR được đề nghị sử dụng như 1 chỉ số KPI bổ sung để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu không chỉ dành cho các nhà quản lý doanh thu mà còn cho các nhà đầu tư, và chủ sở hữu khách sạn, vì giờ đây nó bao gồm hệ thống chỉ số GOPPAR ( Tổng lợi nhuận hoạt động trên mỗi phòng hiện có) và TrevPAR (Tổng doanh thu trên mỗi phòng hiện có).

Mặc dù GOPPAR cung cấp một bức tranh rõ ràng hơn về hiệu quả, lợi nhuận và được một số chủ khách sạn đã quyết định sử dụng GOPPAR làm chỉ số tính KPI. Tuy nhiên, ngày nay đa số các nhà quản lý doanh thu và quản lý khách sạn vẫn sử dụng REVPAR như một chỉ số chính để phân tích tiến trình của họ. Vậy ưu, nhược điểm của mỗi chỉ số là gì? Và chỉ số nào thật sự hữu hiệu hơn cho khách sạn?  


RevPAR là gì và công thức tính RevPAR

REVPAR = %Occ x ADR


Hay chính xác hơn:


REVPAR = tổng doanh thu phòng / tổng số phòng có sẵn


Ngành khách sạn đã và đang sử dụng RevPAR làm thước đo hiệu suất tiêu chuẩn. Nó được tính theo doanh thu phòng chia cho số lượng phòng có sẵn trong một khoảng thời gian hoặc nhân tỷ lệ lấp đầy được bán với giá trung bình hàng ngày. Việc nó tập trung vào phòng như là nguồn doanh thu chính của khách sạn đã khiến RevPAR trở thành thước đo phù hợp với tất cả các loại hình khách sạn. Đây là lý do tại sao một công ty tư vấn và dữ liệu lưu trú hàng đầu như STR Inc. (Smith Travel Research) cung cấp dữ liệu RevPAR làm chỉ số KPI chính. Tất cả các tập đoàn khách sạn lớn, như Marriott và Hilton, cũng báo cáo RevPAR cùng với các chỉ số KPI khác trong những báo cáo thu nhập của họ.


Tuy nhiên, khi chúng ta xem xét công thức RevPAR, nó trông có vẻ đơn giản và dễ tính toán, nhưng nhìn sâu vào phân tích RevPAR có thể cho thấy những điều dưới đây:


1. REVPAR không nhất thiết phải là một phép đo lợi nhuận. REVPAR không phản ánh sự tác động lẫn nhau giữa bộ phận Phòng và F&B. Ví dụ: hãy xem xét hai khách sạn khác nhau có cùng số phòng và cùng REVPAR, 100USD. Giả sử, khách sạn đầu tiên cho thấy mức lấp đầy 50% với ADR 20USD, khách sạn thứ hai được lấp đầy là 80% và ADR 125USD. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ở khách sạn thứ hai, tổng doanh thu sẽ cao hơn vì nó có mức lấp đầy cao hơn và rất có thể sẽ tăng thu nhập từ các dịch vụ bổ sung (F&B, điện thoại, các dịch vụ khác). Điều đó có nghĩa là RevPAR không đo lường khả năng của khách sạn trong việc tạo doanh thu từ bộ phận khác, và theo lẽ tự nhiên, chi phí biến đổi sẽ tăng cùng với doanh thu tăng. Rõ ràng là GOPPAR sẽ khác nhau ở hai khách sạn.


2. REVPAR không tính đến tình trạng no-show của đặt phòng, trả phòng sớm và phí phạt hủy, vì nó khác nhau giữa các khách sạn. Một số nhà quản lý khách sạn tính những phần thu này vào khi tính toán REVPAR, một vài khách sạn khác phân loại các khoản thu này là «thu nhập khác», lại có những khách sạn khác tính cả những nguồn thu này vào khi tính tổng lợi nhuận của phòng, nhưng không tính vào giá bán trung bình. Tất cả điều này làm phức tạp hoá việc so sánh giữa các khách sạn. Chắc chắn, việc quản lý REVPAR kịp thời trong điều kiện các chỉ số ổn định, cho phép theo dõi những thay đổi và tăng trưởng thị phần của khách sạn.


3. REVPAR không tính đến chi phí bán phòng (tức là chi phí của kênh trung gian - phí hoa hồng, các khoản thanh toán cho GDS). Trên thực tế, 100 đêm phòng được bán thông qua kênh bán phòng OTA với 20% hoa hồng sẽ có thể giúp tăng chỉ số REVPAR hơn so với việc 90 đêm phòng bán trực tiếp cho khách? Nó sẽ có lợi hơn cho khách sạn? Do đó, nếu phần lớn doanh thu bán phòng qua các kênh trung gian thì REVPAR của khách sạn có thể đạt mức tiêu chuẩn, nhưng lợi nhuận thì không.


GOPPAR là gì và công thức tính GOPPAR


GOPPAR = tổng lợi nhuận hoạt động / quỹ phòng trong thời gian tương ứng.


Nếu bạn phân tích công thức kỹ càng, nó sẽ tính đến tất cả các yếu tố - không chỉ thu nhập mà còn cả chi phí.


Phân tích GOPPAR cũng xem xét sự gia tăng của các chi phí khi tăng doanh thu (đối với phòng, các chi phí này bao gồm dọn phòng, giặt ủi, thiết bị sử dụng điện, v.v.) và thu nhập bổ sung được lấy từ việc bán phòng (thu nhập từ F&B, giặt là, Spa và các nguồn khác), cùng với chi phí của các kênh OTA hoặc GDS. Ví dụ: nếu có quyết định tăng phí hoa hồng cho một OTA nhất định, chỉ số GOPPAR sẽ phản ánh nó ngay lập tức, nhưng không phản ánh qua REVPAR. Cũng cần phải tính đến trường hợp khách sạn giảm giá cho khách hàng doanh nghiệp - những khách tiềm năng để tăng doanh số dịch vụ F&B và hội nghị.


GOPPAR là một trong những công cụ giúp so sánh các khách sạn cụ thể với chỉ số thị trường chung, để so sánh dựa trên khu vực, thương hiệu, cũng như so sánh chỉ số tạo doanh thu với chỉ số ngân sách.


GOPPAR phản ánh rất rõ kết quả của việc giảm chi phí và kiểm soát chi phí trong một khoảng thời gian dài, đặc biệt là sau khi điều kiện thị trường được cải thiện.


GOPPAR tính đến tất cả các khoản thu nhập của khách sạn và điều này cho thấy sự so sánh giữa các khách sạn lớn và nhỏ, các khách sạn có tỷ trọng và khối lượng lợi nhuận khác nhau từ bộ phận F&B và các dịch vụ bổ sung.


Mối quan hệ giữa GOPPAR và REVPAR ?


Chúng ta hãy xem xét lại một lần nữa các bộ phận của khách sạn dưới sự đóng góp vào GOP:


Trung tâm thu nhập: Phòng có chi phí vận hành ít nhất; do đó, việc bán phòng mang lại lợi nhuận cao nhất và đóng góp cao hơn vào lợi nhuận hoạt động chung.


Trung tâm lợi nhuận: Bộ phận F&B chiếm phần lớn chi phí trong cơ cấu lợi nhuận; do đó, phần lợi nhuận của nó trong lợi nhuận hoạt động chung cả khách sạn sẽ ít hơn so với phòng.


Trung tâm chi phí: ví dụ, bộ phận kỹ thuật chỉ đưa ra chi phí và hoàn toàn không tạo ra doanh thu.


Mỗi trung tâm đều đóng góp vào việc hình thành tổng lợi nhuận hoạt động. Ngoài ra, đối với khách sạn, phòng sẽ luôn là cốt lõi tạo ra lợi nhuận, do đó REVPAR sẽ vẫn quan trọng và cơ bản.


Việc tăng REVPAR sẽ vẫn là mục tiêu chính của các nhà quản trị doanh thu về quản lý lợi nhuận; tính dynamic của nó sẽ phản ánh kết quả công việc của họ, khả năng phản ứng thích hợp với những thay đổi của nhu cầu dựa theo theo mục tiêu chính - tăng lợi nhuận.


GOPPAR sẽ được các nhà đầu tư, chủ sở hữu và tổng giám đốc khách sạn quan tâm hơn vì là một chỉ số đáng tin cậy, phản ánh khả năng khách sạn tạo ra các dòng tiền.


Một điểm khác biệt nữa giữa REVPAR và GOPPAR là khoảng thời gian. Công suất lấp phòng và giá bán trung bình được tính hàng ngày, hàng tháng và hàng năm. Do đó, REVPAR vẫn là một chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động hàng ngày của một khách sạn, phản ánh sự tương tác của khách sạn với thị trường, thị phần của khách sạn, trở thành cơ sở để so sánh với các đối thủ cạnh tranh và với các chỉ số chung của thị trường. Tổng lợi nhuận hoạt động thường được theo dõi hàng tháng, hàng quý và hàng năm; dựa theo các khoảng thời gian giống nhau để có thể nhận được GOPPAR.


Trên đây là những chia sẻ để mang đến cái nhìn tổng quan hơn về sự khác nhau cũng như tầm quan trọng của mỗi chỉ số REVPAR và GOPPAR để giúp các khách sạn xem xét, phân tích và từ đó tìm ra giải pháp hiệu quả để tối ưu doanh số. Nếu bạn vẫn đang tìm một nhà quản lý doanh thu hoặc một đơn vị outsource để cùng đồng hành, đừng bỏ qua sự lựa chọn từ Chiic Digital để giúp bạn xây dựng những chiến lược Marketing và Ecommerce chất lượng và hiệu quả nhất trong lĩnh vực này nhé.


Liên hệ: Chiic Digital


+84 91 481 1101





Nguồn: revenue-hub.com


114 views0 comments

Comments


bottom of page